3199 - "USA" không còn là ‘nhãn hiệu cầu chứng tại tòa’

Trúc Phương/Người Việt

“USA, USA, USA…” tiếng kêu gào vang dội trong các cuộc vận động náo nhiệt đầy khí thế từ những người ủng hộ Trump giờ đây nghe mỉa mai hơn bao giờ hết…


Du khách chụp hình lưu niệm trên Đại Lộ Hollywood Blvd, Hollywood, California. (Hình minh họa: Valerie Macon/AFP via Getty Images)
Từ biểu tượng tự do trở thành pháo đài
Hè năm nay, ngành du lịch Mỹ đứng trước viễn cảnh cực kỳ ảm đạm. Theo Hội Đồng Du Lịch và Lữ Hành Thế Giới (WTTC), chi tiêu của du khách quốc tế tại Mỹ dự kiến giảm $12.5 tỷ, tương đương 7%, vào năm 2025. Đây là một con số đáng báo động, bởi lẽ Mỹ là nền kinh tế du lịch và lữ hành lớn nhất toàn cầu.
Bà Julia Simpson, giám đốc điều hành WTTC, không ngần ngại chỉ ra “thủ phạm” chính là các chính sách hắc ám của chính quyền Donald Trump.
Bà nhấn mạnh: “Trong 184 quốc gia được khảo sát, Mỹ là quốc gia duy nhất chứng kiến sự sụt giảm tuyệt đối trong chi tiêu của du khách quốc tế. Mỹ đang đánh mất vương miện của mình. Dự kiến, chi tiêu du khách quốc tế tại Mỹ sẽ giảm xuống dưới $169 tỷ trong năm nay, từ mức $181 tỷ năm 2024, và thấp hơn 22% so với đỉnh điểm năm 2019.
Sự thay đổi trong quy định nhập cảnh Mỹ đang gây ra nhiều bất an. Đức thậm chí đưa ra khuyến cáo du lịch tới Mỹ, nhấn mạnh rằng thị thực hoặc giấy miễn thị thực hoàn toàn không giúp bảo đảm quyền nhập cảnh, sau khi xảy ra chuyện một số công dân Đức bị câu lưu tại biên giới. Quy định mới của chính quyền Trump yêu cầu tất cả người nước ngoài từ 14 tuổi trở lên phải đăng ký và lấy dấu vân tay nếu lưu trú quá 30 ngày, trong đó có cả Canada – những người trước đây có thể lang thang ở Mỹ tới sáu tháng mà không cần thị thực.
“Dù 90% chi tiêu du lịch và lữ hành của Mỹ đến từ khách nội địa, nhưng du khách Canada chi xài gấp ba so với người Mỹ khi đi nghỉ ở Mỹ, và du khách từ các quốc gia khác chi tiêu gấp bảy đến tám lần. Thế mà giờ đây, lượng khách từ Canada và Mexico, hai nguồn khách quốc tế lớn nhất của Mỹ, đã giảm khoảng 20% so với cùng kỳ năm trước. Lượng khách từ Anh, Đức và Hàn Quốc cũng có xu hướng giảm,” theo The New York Times.
Du khách nước ngoài hủy du lịch Mỹ chủ yếu xuất phát từ tâm lý ghét Trump. The New York Times tường thuật: “Monique Dubas, 35 tuổi, một kỹ sư từ Paris, đã hủy chuyến đi New York vào Tháng Sáu để thể hiện sự đồng cảm với một nhà khoa học Pháp bị từ chối nhập cảnh vào Mỹ vào Tháng Ba (sau khi nhân viên di trú Mỹ xét điện thoại của ông và ‘phát hiện’ những tin nhắn chỉ trích Trump).”
Cô Dubas bày tỏ: “Điều này là sai trái và không thể chấp nhận.” Sau khi phải trả phí hủy đặt phòng, Monique Dubas đổi điểm đến sang Mexico. “Tôi yêu nước Mỹ nhưng có nhiều nơi hấp dẫn hơn để đi,” Dubas nói.
Canada là nguồn thu bị mất mát lớn nhất. Lượng khách Canada vào Mỹ đã giảm đáng kể trong tháng thứ tư liên tiếp, khi người Canada tiếp tục tẩy chay Mỹ để phản ứng với thuế quan và đặc biệt vụ Trump đòi sáp nhập Canada thành tiểu bang thứ 51.
Giới kinh doanh du lịch Mỹ đang lập chiến lược tiếp thị phối hợp để gỡ gạc tình hình, đặc biệt trong bối cảnh nước Mỹ kỷ niệm 250 năm Tuyên Ngôn Độc Lập vào năm tới, FIFA World Cup 2026 và Thế Vận Hội Hè 2028. Tuy nhiên, chính họ cũng gặp khó khăn và nguyên nhân cũng bởi Trump.
Brand USA, một tổ chức tiếp thị phi lợi nhuận vốn được chính phủ liên bang tài trợ một phần, gần đây đã “rúng động” khi chính quyền Trump đột ngột bãi nhiệm năm thành viên hội đồng quản trị. Sự việc xảy ra ngay trong thời điểm Brand USA chuẩn bị “một chiến dịch du lịch toàn cầu táo bạo” dự kiến thực hiện vào Tháng Sáu để “giới thiệu những điều tốt đẹp nhất ở nước Mỹ, từ các cộng đồng nhỏ, nông thôn đến các điểm đến mang tính biểu tượng.”
Các cơ quan du lịch tại các điểm đến nổi tiếng như New York và California hiện không mấy lạc quan. Cả New York và California đều tung ra các chiến dịch thu hút du khách. Visit California hợp tác với Expedia trong chương trình “California yêu Canada,” giảm giá tới 25% cho người Canada. Tương tự, New York City Tourism and Conventions thực hiện chiến dịch “With Love + Liberty, New York City”…
Khi một thương hiệu quốc gia tự lột bỏ vương miện
Không chỉ vấn đề du lịch, hàng loạt thương hiệu khổng lồ của Mỹ cũng đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trong nhiều thập niên, sức mạnh mềm của Mỹ – từ Hollywood, McDonald’s đến các bản hit của Beyoncé và Taylor Swift – không chỉ tạo ra ảnh hưởng văn hóa toàn cầu, mà còn giúp hàng hóa Mỹ bám rễ sâu rộng tại các thị trường nước ngoài.
Hình ảnh một nước Mỹ sôi động, phóng khoáng, “đất hứa” của chủ nghĩa tiêu dùng từng khiến hàng triệu người thế giới say mê mọi thứ mang thương hiệu Mỹ. Coca-Cola chẳng hạn. Khi bức tường Berlin sụp đổ, họ lập tức đến Đông Berlin, phát nước ngọt miễn phí cho người dân như một màn trình diễn ngoạn mục của chủ nghĩa tư bản. Người dân Đông Đức đã uống thứ “nước” của nước Mỹ đó như “uống lấy tự do.”
Bây giờ, hàng loạt thương hiệu Mỹ – từ xe điện Tesla đến rượu Jack Daniel’s – đang bị người tiêu dùng Châu Âu, Canada và nhiều nơi khác quay lưng. Không phải vì sản phẩm tệ đi mà vì Donald Trump.
The Economist  (ngày 19 Tháng Năm) cho biết, hãng bia Carlsberg của Đan Mạch – đối tác đóng chai Coca-Cola tại quốc gia này – cho biết lượng tiêu thụ Coca đang sụt giảm mạnh. Dân Đan Mạch chuyển sang dùng Jolly Cola – một thương hiệu nội địa – như một cách phản đối tổng thống Mỹ. “Trò đùa phi lý” của Trump về việc “mua lại Greenland” khiến Đan Mạch phẫn nộ và giờ họ “trả đũa” bằng cách dẹp Coca-Cola sang một bên.
Tình hình không khá hơn ở Canada. Khảo sát của YouGov cho thấy có tới 61% người dân Canada tuyên bố tẩy chay hàng hóa Mỹ. Tại hai tỉnh bang lớn nhất là Ontario và Quebec, chính quyền đã rút các sản phẩm rượu Mỹ khỏi kệ – một đòn nặng nề giáng vào các thương hiệu như Jack Daniel’s. Tại Đan Mạch, chuỗi bán lẻ lớn nhất nước này, Salling Group, đã dán nhãn các sản phẩm có nguồn gốc Châu Âu nhằm giúp người tiêu dùng dễ dàng né hàng Mỹ.
Sự quay lưng với hàng Mỹ không là hiện tượng đơn lẻ. Một khảo sát mới đây do tổ chức Alliance of Democracies thực hiện tại 100 quốc gia cho thấy số người có cái nhìn tiêu cực về Mỹ vượt số người thiện cảm đến năm điểm phần trăm – mức suy giảm đáng kể so với các năm trước, và đủ để đưa nước Mỹ rớt hạng sau cả Trung Quốc về mức độ thiện cảm toàn cầu. Một cuộc khảo sát khác do Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu (ECB) thực hiện vào Tháng Ba cho thấy người dân Châu Âu sẵn sàng bỏ hàng Mỹ vì lý do chính trị. Trên thang điểm 100, mức độ sẵn sàng “tẩy chay hàng Mỹ” đạt điểm trung vị 80 – một con số rất cao.
Một cách tổng quát, hơn $8,000 tỷ doanh thu mà các công ty Mỹ kiếm được từ thị trường nước ngoài mỗi năm đang gặp nguy. Không vì sản phẩm kém đi mà vì người tiêu dùng không còn muốn “mua nước Mỹ” nữa. Với họ, Coca-Cola không chỉ là nước ngọt, Tesla không chỉ là xe điện – chúng là biểu tượng của một nước Mỹ ngày càng gây thất vọng.
Business Insider cho biết thêm, để tránh làn sóng tẩy chay hàng Mỹ do tâm lý thù ghét Donald Trump, nhiều thương hiệu từ Coca-Cola, McDonald’s cho đến các nhãn hàng nhỏ hơn như Fresh Clean Threads đang âm thầm “phi Mỹ hóa” (“de-Americanize”) trong các chiến dịch quảng bá quốc tế – nghĩa là giấu bớt bản sắc và nguồn gốc Mỹ.
Kraft Heinz là một ví dụ cụ thể của xu hướng “de-Americanize.” Kraft Heinz Canada đã tăng cường những chiến dịch quảng cáo nhấn mạnh nguồn gốc Canada của sản phẩm. Trong các quảng cáo phát tại chương trình Super Bowl và March Madness ở Canada, họ khẳng định mì ống và phô mai KD chứa lúa mì và phô mai Canada; rằng kem phô mai Philadelphia được làm từ 100% sữa Canada, và đậu phộng trong bơ đậu phộng Kraft được rang tại Canada… Mới đây, họ đăng một quảng cáo toàn trang trên báo, nói rằng tương cà Heinz “sản xuất tại Canada, bởi người Canada, sử dụng cà chua Canada.”
Trong các cuộc họp báo cáo tài chính gần đây, giới giám đốc điều hành của các tập đoàn Mỹ, từ Harley-Davidson đến Skechers và KFC, đều đối mặt những câu hỏi về tác động của tâm lý chống Mỹ từ người tiêu dùng quốc tế. McDonald’s đã thực hiện ba cuộc khảo sát toàn cầu để đánh giá cảm nhận của người tiêu dùng thế giới về nước Mỹ, thương hiệu Mỹ và thương hiệu McDonald’s. Kết quả cho thấy không mấy khả quan: McDonald’s ghi nhận sự gia tăng “8 đến 10 điểm phần trăm” trong tâm lý chống Mỹ, đặc biệt rõ rệt ở Bắc Âu và Canada.
Từng có thời việc mang nhãn mác “hàng Mỹ” là một điểm cộng. Giờ đây, nó là điều khiến khách hàng quay lưng. Đó không chỉ là một nghịch lý của thời đại toàn cầu, nơi mọi giá trị đều trở nên tương đối, mà là bài học chua chát cho thấy một khi chính trị can thiệp sâu vào kinh tế một cách hàm hồ và lỗ mãng, không theo bất kỳ quy tắc ngoại giao nào, thì người tiêu dùng nói chung không ngần ngại thể hiện quan điểm thông qua hành vi tẩy chay. Đó là thông điệp rõ ràng nhất mà bất kỳ ai, dù có thể dốt nát nhất, cũng dễ dàng nhận ra.

https://www.nguoi-viet.com/binh-luan/usa-khong-con-la-nhan-hieu-cau-chung-tai-toa/

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

3028 - Phản ứng của các chuyên gia: Israel vừa tấn công các cơ sở hạt nhân và quân sự của Iran. Tiếp theo là gì?

2236 - Kẹt xe ở Việt Nam từ một nghị định gây phẫn nộ

2993 - Tổng thư ký NATO Mark Rutte cảnh báo Nga có thể sử dụng vũ lực chống lại liên minh trong năm năm