3222 - Đâu rồi lòng trắc ẩn?

Hiếu Chân/Người Việt

Trong dòng chảy cuồn cuộn của thông tin các loại, có những tin ít được chú ý nhưng gây sốc: Sáng Thứ Ba, 1 Tháng Bảy, ông Donald Trump, tổng thống Mỹ, đã đến Florida khánh thành một trung tâm giam giữ mới mà giới chức tiểu bang gọi là “Alligator Alcatraz.” Alcatraz là tên một hòn đảo ngoài vịnh San Francisco ở California, từng là một nhà tù nổi tiếng nhưng đã đóng cửa và trở thành điểm du lịch hơn 60 năm qua.
Ông Donald Trump, tổng thống Mỹ, đến nhà tù “Alligator Alcatraz” – nơi để giam di dân – ở Florida sáng Thứ Ba, 1 Tháng Bảy. (Hình minh họa: Andrew Caballero-Reynolds/AFP via Getty Images)
Khai trương “nhà tù cá sấu”
Trung tâm giam giữ mới đặt trong vùng đầm lầy Florida Everglades nổi tiếng nhiều cá sấu, trăn nhiệt đới và thú dữ, có nhiệm vụ giam cầm những người nhập cư không giấy tờ mà lực lượng Cảnh Sát Di Trú (ICE) của Bộ Nội An bắt được trong khi chờ trục xuất. Nhà cầm quyền hy vọng đầm lầy hiểm trở cùng những đàn cá sấu sẽ làm cho người bị giam không dám “vượt ngục” và giúp tiết kiệm chi phí thuê mướn lính gác, cho dù chi phí vận hành nhà giam mới này dự tính lên tới $450 triệu mỗi năm, được chi từ Cơ Quan Tình Trạng Khẩn Cấp Liên Bang (FEMA). Ông Trump nói đùa rằng “chúng ta sẽ dạy cho chúng [tù nhân] cách chạy trốn cá sấu nếu chúng muốn vượt ngục” (!).
Trước mặt ông Ron DeSantis, thống đốc Florida, và bà Kristi Noem, bộ trưởng Nội An, đi cùng, ông Trump đã có lời khen cơ sở giam giữ mới là “rất chuyên nghiệp và làm tốt” dù nơi đây mới chỉ có những dãy lều dã chiến trên nền một phi trường huấn luyện cũ, những chiếc giường tầng nằm chỏng chơ giữa hàng rào thép gai, được lắp ghép cấp tốc chỉ trong tám ngày, đầy muỗi mòng và cái nóng nhiệt đới nung người. Ông cũng cho biết, đây sẽ là hình mẫu để lập ra nhiều khu giam giữ khác ở nhiều tiểu bang khác!
Thống Đốc DeSantis cho biết trung tâm sẽ có 200 camera theo dõi, 28,000 foot dây thép gai, 400 lính gác và hệ thống điều hòa nhiệt độ, có thể giam giữ tới 5,000 người, xem xét và trục xuất họ.
Sẽ không có gì đáng nói nếu những nhà tù khắc nghiệt như vậy được lập ra để giam giữ những tên đại gian đại ác, những kẻ giết người, khủng bố hoặc buôn lậu ma túy. Người nhập cư không giấy tờ không phải là tội phạm, họ không đáng bị trừng phạt một cách tàn ác như vậy.
“Tội” của họ là đã “vượt biên” vào đất nước này một cách “bất hợp pháp,” khi chưa có thị thực nhập cảnh (visa), chưa được cho phép cư trú. Luật pháp quy định những người ở lại Mỹ quá hạn thị thực hoặc vào Mỹ khi chưa được phép (unauthorized entry) chỉ là vi phạm dân sự (civil immigration violation), không phải là tội phạm (criminal) nên họ phải được đối xử một cách nhân đạo.
Luật pháp Mỹ cũng cho phép di dân không có thị thực được tạm trú trong thời gian chờ tòa án di trú quyết định về hồ sơ của họ, họ chỉ bị coi là “cư trú bất hợp pháp” sau khi đơn của họ bị tòa bác bỏ và họ bị tống đạt lệnh trục xuất. Trong thời gian tạm trú, họ có thể xin đi làm, đóng thuế và sinh sống như một người bình thường miễn là họ phải trình diện cơ quan di trú theo định kỳ, có địa chỉ cụ thể để tòa án tống đạt giấy triệu tập và không được hưởng những phúc lợi xã hội căn bản của người Mỹ.
Đã có rất nhiều nghiên cứu xã hội học của các học giả chứng minh rằng đa số di dân không giấy tờ không phải là tội phạm, không phải là gánh nặng cho xã hội Mỹ mà ngược lại, họ là một phần không thể thiếu của lực lượng lao động nước Mỹ.
Nhân danh bảo vệ luật pháp, trật tự, để vu cáo người nhập cư là những kẻ hiếp dâm, giết người, ăn thịt thú cưng… kích động nỗi thù ghét của người Mỹ bản xứ rồi bắt giam và trục xuất họ một cách tràn lan, cho đủ con số ấn định 3,000 người/ngày mà không phân biệt tội phạm với người lương thiện là một hành động trái luật và tàn nhẫn. Nếu 12 triệu người nhập cư không giấy tờ hiện đang sống rải rác khắp nước Mỹ mà là tội phạm thì có lẽ nước Mỹ đã loạn lạc từ lâu!
Một thống kê trên trang Tracreport.org ghi nhận đến ngày 15 Tháng Sáu, ICE đã bắt giữ 56,397 người nhập cư không giấy tờ, trong đó có 40,433 người, chiếm 71.7%, chưa hề phạm tội gì cả, phần lớn còn lại chỉ phạm những tội nhỏ như vi phạm luật giao thông. Đài CBS News phân tích dữ kiện của Bộ Nội An ghi nhận chỉ có 8% những người bị ICE giam giữ là tội phạm bạo lực. Trong số người bị ICE bắt và trục xuất có cả những người là công dân Mỹ hoặc thường trú nhân hợp pháp (thẻ xanh) tại Mỹ.
ICE còn sử dụng một đội ngũ nhân viên trang bị vũ khí chiến đấu nhưng bịt kín mặt, không mặc đồng phục, không đeo phù hiệu, đi xe không bảng số, khó phân biệt với các băng đảng giang hồ, để gieo rắc nỗi khiếp sợ lên khắp các cộng đồng người nhập cư. Bây giờ họ còn quảng cáo “nhà tù cá sấu” để đe dọa biến người nhập cư không giấy tờ thành một thứ mồi cho thú dữ thì quả là sự nhẫn tâm đã lên tới cực điểm!
Nơi sự nhẫn tâm ngự trị thì lòng trắc ẩn không còn tồn tại.
Chính thức khai tử USAID
Hôm 1 Tháng Bảy cũng là ngày chính thức khai tử Cơ Quan Phát Triển Quốc Tế Mỹ (US Agency for International Development – USAID). “Từ ngày 1 Tháng Bảy, USAID sẽ chính thức ngừng thực thi hỗ trợ nước ngoài. Các chương trình hỗ trợ nước ngoài phù hợp với chính sách của chính quyền hiện hành – nhằm thúc đẩy lợi ích của nước Mỹ – sẽ được Bộ Ngoại Giao điều hành, nơi chúng sẽ được thực thi hiệu quả hơn, minh bạch hơn, có chiến lược hơn,” ông Marco Rubio, ngoại trưởng Mỹ, thông báo. Cùng ngày, ông Kash Patel, giám đốc Cơ Quan Điều Tra Liên Bang (FBI), thông báo trụ sở của FBI sẽ chuyển vào tòa nhà Ronald Reagan Building ở trung tâm thủ đô Washington DC, vốn là trụ sở của USAID.
USAID được thành lập năm 1961 dưới thời Tổng Thống John F. Kennedy, với ngân sách hằng năm khoảng $23 tỷ do Quốc Hội Mỹ phân bổ. Là tổ chức từ thiện lớn nhất thế giới, USAID đã thực hiện hàng ngàn chương trình hỗ trợ về y tế, giáo dục, giảm nhẹ thiên tai, phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường và thăng tiến dân chủ ở hơn 100 quốc gia Phi Châu, Á Châu, Mỹ La Tinh, Trung Đông và Đông Âu.
Hầu hết các học giả đều cho rằng, USAID là biểu tượng của sức mạnh mềm (soft power) của Mỹ; USAID không chỉ là lòng nhân đạo mà là công cụ chiến lược để Mỹ mở rộng ảnh hưởng ra thế giới. USAID giúp các nước nghèo phát triển, biến thế giới thành thị trường cho hàng hóa và dịch vụ của Mỹ; USAID giúp xoa dịu các điểm nóng xung đột, làm cho thế giới an toàn hơn và nước Mỹ cũng an toàn hơn. USAID nâng cao uy tín và hình ảnh nước Mỹ, củng cố thế giới chung quanh mô hình dân chủ-tự do và giúp Mỹ giành lợi thế lớn trong cuộc cạnh tranh với các cường quốc độc tài Nga và Trung Quốc.
Trong thông điệp video gửi tới các nhân viên USAID vào ngày làm việc cuối cùng của họ, cả cựu Tổng Thống George W. Bush (Cộng Hòa) lẫn cựu Tổng Thống Barack Obama (Dân Chủ) đều nói lời luyến tiếc.
Ông Obama gọi quyết định khai tử USAID là “một sai lầm khủng khiếp” (a colossal mistake). “Với nhiều người khắp thế giới, USAID chính là nước Mỹ,” ông Obama nói.
“Qua công việc của mình, các bạn đã thể hiện sức mạnh vĩ đại của nước Mỹ và đó là trái tim nhân hậu của chúng ta,” ông Bush nói và chỉ ra một thành quả đáng tự hào của USAID là chương trình President’s Emergency Plan for AIDS Relief cung cấp miễn phí thuốc điều trị căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS do chính ông khởi xướng đã cứu sống được 25 triệu người. “Liệu 25 triệu người mà lẽ ra đã chết nay vẫn còn sống có đáng cho chúng ta quan tâm không? Tôi nghĩ là có,” ông Bush nói.
Thế nhưng với ông Donald Trump và người ủng hộ ông trong phong trào MAGA, USAID đầy dẫy những tệ nạn, tham nhũng và lãng phí và ông Trump đã giao cho tỷ phú Elon Musk, tổng giám đốc Tesla và người đứng đầu Cơ Quan Cải Tổ Chính Phủ (DOGE), dẹp bỏ USAID ngay trong những ngày đầu tiên lập ra cái gọi là DOGE.
Nhiều người mà chúng tôi tiếp xúc đã hoan nghênh quyết định giải tán USAID, coi việc hỗ trợ những người nghèo, các nước nghèo là “chuyện bao đồng,” đem tiền thuế của người dân Mỹ đi nuôi những kẻ ăn không ngồi rồi trong lúc nước Mỹ còn có bao nhiêu chuyện cần giải quyết chẳng hạn như chuyện người vô gia cư (homeless) sống vạ vật ở những vỉa hè, đường phố.
Đúng là nước Mỹ có nhiều chuyện phải giải quyết, nhưng chuyện gì ra chuyện ấy. USAID là sức mạnh của lòng nhân. Dẹp bỏ USAID, ngân sách liên bang có thể tiết kiệm vài chục tỷ mỗi năm nhưng thiệt hại về uy tín và ảnh hưởng của nước Mỹ thì không thể tính hết.
Lòng trắc ẩn và văn minh
Rạng sáng 1 Tháng Bảy, Thượng Viện thông qua “Dự Luật Lớn, Đẹp” (One Big Beautiful Bill) với lá phiếu phá vỡ sự cân bằng của Phó Tổng Thống JD Vance, đạt 51 thuận 50 chống. Đây là một dự luật tước đoạt bảo hiểm sức khỏe và trợ cấp thực phẩm cho người nghèo để có tiền giảm thuế cho người giàu là một thứ luật bất nhân, đào sâu sự bất bình đẳng và lẽ ra không nên có trong một xã hội văn minh.
Có nhà khoa học cho rằng, loài người bắt đầu “văn minh” không phải từ khi tìm ra lửa hoặc chế tác công cụ bằng đá mà từ khi con người biết thương nhau, biết hợp quần để cùng đối phó với thiên nhiên khắc nghiệt. Tình thương và lòng trắc ẩn, thương người như thể thương thân, dù ở đâu cũng luôn là chỗ dựa vững chắc để con người vượt qua nghịch cảnh. Các tôn giáo, dù khác nhau về nguồn gốc và triết lý, nhưng đều nhất quán đề cao tình yêu thương, từ bi hỉ xả, như là con đường duy nhất đi tới sự cứu rỗi. Thiếu vắng lòng trắc ẩn thì con người cũng mất niềm tin, cuộc sống trở thành cuộc lưu đày giữa những người xa lạ chỉ biết lo vun xới cho lợi ích riêng.
Ấy thế nhưng ông Elon Musk – người giàu nhất hành tinh và cố vấn của tổng thống đương nhiệm – quan niệm “lòng trắc ẩn” (empathy) là điểm yếu chết người của nền văn minh Tây phương mà ông ta cùng phong trào MAGA muốn sửa chữa.
“Chỗ yếu kém căn bản của văn minh Tây phương là lòng trắc ẩn,” ông Musk nói với nhà bình luận Joe Rogan, và tố cáo những người tự do, cấp tiến đang lợi dụng lòng trắc ẩn như một thứ vũ khí chính trị. Ông ta lên án chính sách của tiểu bang California cung cấp bảo hiểm Medi-Cal cho người nhập cư không giấy tờ; ông ta phê phán quỹ hưu bổng Social Security (SSA) là trò lừa đảo kiểu Ponzi (lấy tiền người sau trả cho người trước), coi đây là biểu hiện của “lòng trắc ẩn bị lợi dụng”…
Cho nên không có gì ngạc nhiên khi ông Musk và các giới chức trong chính quyền hiện hành đang nhẫn tâm truy lùng người nhập cư, dẹp bỏ USAID, sa thải hàng ngàn công chức, cắt giảm các quỹ phúc lợi xã hội, đẩy hàng triệu trẻ em Phi Châu vào cảnh đói bệnh để trương mục ngân hàng của các tỷ phú, triệu phú thêm đầy…
Ngày Độc Lập 4 Tháng Bảy lại đến. Nhưng nước Mỹ bây giờ dường như đã khác trước khi lòng trắc ẩn – cội nguồn sức mạnh của quốc gia vĩ đại này – đang dần bị xói mòn. Bài thơ của Emma Lazarus trên bệ tượng Nữ Thần Tự Do – Mẹ của Những Kẻ Lưu Đày – vẫn còn lay động: “Hãy trao ta những kẻ yếu mệt, những kẻ nghèo hèn của các người/ Những đám đông chen chúc khát khao được hít thở tự do/ Những mảnh đời khốn khổ…”
Nước Mỹ đã trao giấc mơ và niềm hy vọng cho những người đi tìm tự do và cơ hội từ khắp thế giới nhưng với những chính sách tàn nhẫn của chính quyền hiện nay, cánh cửa đó dường như đã khép lại.

https://www.nguoi-viet.com/binh-luan/dau-roi-long-trac-an/

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

3028 - Phản ứng của các chuyên gia: Israel vừa tấn công các cơ sở hạt nhân và quân sự của Iran. Tiếp theo là gì?

2236 - Kẹt xe ở Việt Nam từ một nghị định gây phẫn nộ

2993 - Tổng thư ký NATO Mark Rutte cảnh báo Nga có thể sử dụng vũ lực chống lại liên minh trong năm năm