3235 - Ngày Quốc Khánh: Nước Mỹ và một sự lạc quan còn sót lại
Trúc Phương/Người Việt
Nước Mỹ lại bắn pháo bông mừng Quốc Khánh, giữa không khí niềm tin và thậm chí lòng yêu nước đang trong giai đoạn khủng hoảng trầm trọng.

Trong hình, các thành viên đảng Cộng Hòa tại Quốc Hội Mỹ ngày 3 Tháng Bảy vui mừng sau khi Hạ Viện thông qua dự luật thuế và chi tiêu (One, Big, Beautiful Bill Act) của Tổng Thống Donald Trump.
“Nước Mỹ không còn là hình mẫu của thế giới nữa,” đó là câu nói không chỉ đến từ những “kẻ thù” bên ngoài nước Mỹ mà từ chính công dân Mỹ. Niềm tin vào định chế, vào đạo đức chính trị, vào nền dân chủ – từng là giá trị tinh thần đáng tự hào của nước Mỹ – có vẻ như đang mục rữa từ bên trong.
Nước Mỹ ngày nay: Chán như cơm nếp nát!
Một cuộc khủng hoảng đang diễn ra một cách toàn diện và sâu sắc ở Mỹ: Khủng hoảng niềm tin vào bầu cử, vào tòa án, vào truyền thông, vào học thuật, vào lẽ phải. Cuộc khủng hoảng này không xảy ra một sớm một chiều và nó cũng không đến từ một phía. Nó đến từ cả hai đảng. Nó đến từ sự cực đoan hóa chính trị, sự bất lực truyền thông trong việc thuyết phục “phần còn lại” của nước Mỹ, và cả sự thất bại của hệ thống giáo dục.
Giới trẻ hoang mang và ngày càng có cảm giác lạc lõng. Thế hệ Z nói chung bày tỏ sự hoài nghi về cả ba nhánh chính phủ. Cuộc thăm dò mới từ Trường Harvard Kennedy (Spring 2025 Harvard Youth Poll) cho thấy sự thiếu tin tưởng ngày càng sâu sắc vào các thể chế chính phủ và hiện đối mặt tình hình kinh tế bất ổn gia tăng.
Theo cuộc thăm dò, chỉ 19% số người được hỏi bày tỏ sự tin tưởng vào chính phủ liên bang “thực thi những điều đúng đắn vào hầu hết các vấn đề hoặc mọi lúc.” Quốc Hội có phiếu tín nhiệm thấp nhất từ những ý kiến đại diện giới trẻ, với chỉ 18% cho biết họ tin tưởng vào cơ quan lập pháp. Tòa Bạch Ốc cũng bị chấm điểm thấp không kém, với chỉ 23% ý kiến bày tỏ tin tưởng. Về Tối Cao Pháp Viện, chỉ vỏn vẹn 29% cho biết họ còn tin vào sự liêm chính của các ông tòa.
Ông Jordan Schwartz, giám đốc Dự Án Ý Kiến Công Chúng Harvard (Harvard Public Opinion Project), nhận định: “Giữa khó khăn tài chính và cuộc khủng hoảng cộng đồng khốc liệt, thanh niên Mỹ ngày càng vỡ mộng khi họ vật lộn tìm vị trí mình trong đó… Thế hệ này không mong đợi chính trị giải quyết được vấn đề của họ. Trong bối cảnh giới trẻ tiếp tục mất niềm tin vào các thể chế chính phủ, chưa bao giờ bằng lúc này, giới chính trị gia phải cần lắng nghe và học từ những đứa trẻ này.”
Nhìn chung, cả Cộng Hòa và Dân Chủ đều thất bại trong việc xây dựng niềm tin cho người Mỹ. Sự ủng hộ dành cho đảng Dân Chủ giảm mạnh, từ 42% vào mùa Xuân 2017 xuống còn 23% trong cuộc thăm dò vào Tháng Ba, 2025. Với Cộng Hòa, tỷ lệ ủng hộ vẫn ổn định ở mức… thấp như vẫn từng (29% ủng hộ ở thời điểm hiện tại, so với 28% vào những ngày đầu nhiệm kỳ Trump 1.0). Chính sách thuế quan của ông Trump tất nhiên không được lòng giới cử tri trẻ, với chỉ 19% ủng hộ so với 50% phản đối.
Chính trị Mỹ ngày càng thối nát – đó là nhận định chung. Sinh hoạt chính trị Mỹ giờ đây vận hành như một ngành công nghiệp. Các chiến dịch tranh cử trị giá hàng tỷ đô la được chuyên gia rành rẽ kỹ năng tiếp thị, tâm lý học hành vi và công nghệ big data thiết kế. Thay vì tranh luận ý tưởng, các ứng viên chạy đua xem ai “đánh trúng cảm xúc cử tri” nhanh hơn.
Người dân không còn bầu chọn vì lý tưởng. Họ bầu vì nỗi sợ và nỗi lo. Họ chọn ai “ít tệ hơn.” Và khi lựa chọn bị thu hẹp giữa hai cực đoan, họ thấy mình mắc kẹt. Không ngạc nhiên khi ngày càng nhiều người Mỹ tuyên bố mình là cử tri độc lập, hoặc thậm chí không màng đi bầu. Họ thấy hệ thống chính trị như một sân khấu nơi các vai diễn thay nhau xuất hiện, nhưng vở kịch thì không bao giờ thay đổi. Không ai thực sự đại diện cho ai. Không ai thực sự lắng nghe ai.
Báo chí thường xuyên đề cập đề tài nước Mỹ khủng hoảng niềm tin. “The US has lost faith in the American dream. Is this the end of the country as we know it?,” tác giả Andrew Gumbel viết trên The Guardian. “Americans’ faith in institutions has been sliding for years” là tựa bài báo của hai tác giả Gary Fields và Linley Sander trên AP. Bằng cấp và học vị cũng không còn được tin. “Why Americans Have Lost Faith in the Value of College,” tác giả Douglas Belkin viết trên Wall Street Journal…
Sự lạc quan nào còn sót lại?
Câu hỏi đặt ra là, trong cơn đại khủng hoảng, nước Mỹ có lý do gì để hy vọng? Còn có thể tin vào điều gì? Và quan trọng hơn, niềm tin có thể tái thiết không, hay nước Mỹ đang trượt dài về phía suy tàn như những đế chế cổ đại từng bước qua thời vàng son để rồi tan rã trong hỗn loạn? Một chút hy vọng vẫn còn.
Hàng triệu người Mỹ đã xuống đường, thể hiện sự biểu cảm dữ dội trong tinh thần chống lại mầm mống độc tài. Phong trào chống Trump – “50501” – được ủng hộ toàn quốc.
Báo chí truyền thống – dù bị chụp mũ và tấn công – vẫn ngày đêm nỗ lực cung cấp sự thật. Trong nhiều nền chính trị độc tài, báo chí buộc phải im lặng khi phải tự kiểm duyệt. Nhưng ở Mỹ, báo chí không quỳ gối – ít nhất thời điểm hiện tại. Thực tế cho thấy tờ báo nào càng can đảm và tường thuật càng nhiều sự thật bị che giấu thì càng được ủng hộ. Số người ghi danh trả tiền đọc báo tăng vọt ở The New York Times là một ví dụ. Khi sự thật bị tấn công, người ta đi tìm nơi còn giữ sự thật và cung cấp sự thật.
Không phải quốc gia nào cũng dám nói thẳng về sai lầm. Trong cơn bão khủng hoảng, Mỹ vẫn có những tiếng nói mạnh mẽ của báo chí. Họ làm điều đó với sự tự do mà ít nơi có. Không quốc gia độc tài nào dám làm một phim như “The Trump Insurrection: 24 Hours That Shook America” (nói về sự kích động của Trump trong vụ bạo loạn đập phá Quốc Hội ngày 6 Tháng Giêng, 2021). Ở Trung Quốc, người ta không được biết sự thật về Thiên An Môn. Ở Nga, cái chết của nhà bất đồng chính kiến Alexei Navalny chỉ là “tai nạn.” Ở Iran, cái chết của Mahsa Amini không bao giờ được nhắc đến.
Mọi hệ thống chính trị đều có vấn đề cùng những sai lầm và rơi vào khủng hoảng. Sự khác biệt ở chỗ, ở Mỹ, người dân có thể phản ứng. Ở Trung Quốc hay Nga, người dân chỉ có thể chịu đựng. Chỉ ở Mỹ, người ta không sợ hãi phanh phui nỗi nhục quốc gia và mang nỗi nhục này lên mặt dư luận để mổ xẻ. Chính những điều như vậy đã mang lại ít nhiều niềm tin cho nước Mỹ. Câu hỏi đặt ra là nước Mỹ có thể chịu đựng nổi cơn bão chính trị kinh khủng và khùng điên này đến bao giờ.
Nước Mỹ không thiếu sai lầm nhưng lịch sử Mỹ cũng là lịch sử của sự tự vấn, phản tỉnh và tái thiết. Ông Martin Luther King bị giết chết nhưng phong trào của ông không chết. Ông Richard Nixon từ chức nhưng chính trị Mỹ được viết tiếp với những chương mới để tránh lặp lại trường hợp Nixon. Dân chủ không phải là sự ổn định. Dân chủ là khả năng tự sửa. Nước Mỹ, với tất cả lỗi lầm xấu hổ đáng trách, vẫn là xã hội có cơ chế tự điều chỉnh tốt hơn nhiều nền dân chủ khác.
Nước Mỹ đang khủng hoảng. Không thể phủ nhận điều này. Nhưng so với Trung Quốc, Mỹ vẫn là… Mỹ. Ở thế kỷ này, Trung Quốc vẫn sống trong một xã hội bị kiểm soát tuyệt đối – báo chí bị kiểm duyệt gay gắt, tòa án là công cụ đảng, và đa đảng là thứ cấm kỵ. Nga cũng tương tự. Việt Nam cũng thế. Iran chẳng khá hơn.
Phần mình, nước Mỹ có thể không hoàn hảo nhưng ít nhất họ không giả vờ rằng họ hoàn hảo. Sự thật là vẫn có hàng triệu người Mỹ đang chiến đấu mỗi ngày – không bằng súng, mà bằng lá phiếu, bài viết, tiếng nói, và hành động. Mỹ đã vượt qua vô số cuộc khủng hoảng dữ dội trong lịch sử bởi vì họ không buông xuôi. Niềm lạc quan của người Mỹ không đến từ lòng tin vào sự toàn bích mà từ sự dấn thân của những con người bất toàn.
Chính vì không ổn định và luôn nhận thức được điều này nên Mỹ có khả năng tự điều chỉnh. Người Mỹ tiếp tục vật vã với chính họ, trong một quá trình mới – đau đớn và cần thiết. Nếu còn điều gì để lạc quan về nước Mỹ hôm nay thì đó chính là khả năng nhìn vào gương và không quay mặt đi.
https://www.nguoi-viet.com/binh-luan/ngay-quoc-khanh-nuoc-my-va-mot-su-lac-quan-con-sot-lai/
Nhận xét
Đăng nhận xét