3148 - Phân có chủ


Tôi và anh Hoàng Tuấn Công mỗi khi ngồi với nhau thường hay nói chuyện ngày xưa… Một lần anh kể, thời bao cấp phân tro quý lắm, vừa dùng để bón ruộng, vừa tính điểm với hợp tác xã để đến mùa lấy lúa. Vì thế, đi đường mà thấy đống phân trâu phân bò thì mừng như bắt được vàng, có người còn hốt luôn vào nón mang về. Nhưng có cái hay, là nếu chưa hốt được thì chỉ cần đánh dấu, ví dụ như giẫm vào giữa bãi phân một cái, thì dù ai nhìn thấy cũng “thèm”, nhưng không ai lấy nữa, vì biết nó đã có chủ. Đống phân cứ nằm ở đấy, chiều “người chủ” sẽ tới lấy về.
Tôi lại kể với anh về tuổi thơ của tụi tôi. Rủ nhau đi chăn trâu chăn bò trên đồng, rồi phân công, mấy đứa ở lại, mấy đứa khác lên núi hái sim hái mua. Thời đó thì đói, cái gì cũng ăn, cứ không chết là ăn! Những đứa đi hái sim, nhiều khi gặp được những trái to, béo ngậy, thèm muốn nhỏ dãi, nhưng lạ, hầu như không đứa nào ăn vụng. Hái được bao nhiêu thì mang về hết, không “thất thoát” quả nào. Xuống núi rồi, tụm nhau lại mới chia đều.
À, cái thời đói khổ điêu linh ấy, cái thời nghèo nàn lạc hậu xơ xác ấy, thế mà từ người lớn đến trẻ con, đều hình như vẫn giữ được một thứ: sự trung thực. Không biết tôi gọi tên đã chính xác chưa, nó có thể là “chữ tín”, là lòng tin, là sự tự trọng…, hay cái gì đại loại thế.
Người ta tôn trọng những quy tắc, rất hiếm khi tráo trở, lật lọng, sấp ngửa. Vì thế, cũng ít tranh chấp. Rủ nhau đi mót khoai mót lạc, đứa nào nhìn thấy trước là của đứa đó, không tranh cướp, không lý lẽ kiểu “Mày trồng bao giờ, đứa nào nhanh tay đứa ấy được!”.
Người Việt có nhiều tính xấu, nhưng xưa tôi thấy họ ít ăn cắp, nhất là ít khi lật lọng, tráo trở.
Thời bao cấp là đã suy vi lắm rồi, thế mà người ta còn giữ được như vậy, kể cũng là một kỳ tích.
Nay khấm khá hơn nhiều, ít ai đói ăn nữa, nhà cửa xe cộ đề huề. Nhưng con người ngày càng ít tin nhau. Cũng phải thôi, tin làm sao được khi lúc nào cũng có thể bị lừa, bị vu vạ, bị mang tiếng, bị thiệt thân? Người ta không tin nhau nữa, tất cả đều phải công chứng, phải viết giấy, phải ghi âm, phải quay lại. Mà đã xong đâu, cùng đường thì vẫn “Bố mày thế đấy, làm gì được bố mày”.
Lời nói bây giờ hình như là thứ rẻ rúng nhất. Hôm nay họ sẵn sàng thề thốt để được việc, nhưng ngày mai thì chối bay. Tiền vay không trả, đòi quá thì sẵn sàng “tao vay của mày bao giờ, cút ngay không tao báo công an”. Anh em mua đất của nhau, không công chứng gấp, để giá lên mới làm có khi mất cả tiền cả đất cả anh em.
Xưa, lời nói có khi còn quý hơn sinh mạng. Một lời đã nói ra là danh dự, là phẩm giá; một quy tắc đã xác lập và đồng ý với nhau, là luật pháp. Con người biết xấu hổ, biết tự nhục, bởi họ còn tự trọng.
Nay, khi làm một việc xấu xa nào đó, cùng lắm là người ta sợ bị “phốt” lên mạng xã hội, không hẳn là vì xấu hổ, mà quan trọng là sợ ảnh hưởng quyền lợi: tiền bạc, địa vị, ghế gộc… Chẳng phải thế mà bao nhiêu quan to viết sách dạy đạo đức, ngày ngày lên bục rao giảng về văn hóa, nhưng đùng cái thấy đi tù vì tham nhũng đó sao? Người ta không còn biết ngượng nữa, sự vô sỉ đã đến tận cùng.
Xưa, lỡ làm một việc xấu mà bị lộ, có người còn tự chết, vì nhục quá không sống được. Nay người ta nhơn nhơn, có khi còn đắc thắng nếu đã dập được lửa truyền thông hay che chắn êm xuôi. Trong cải cách ruộng đất, nhiều người đã treo cổ, không phải bởi họ đã làm gì sai, mà vì họ không cho phép người khác sỉ nhục mình. Không thể sống nhục.
Nay, ăn cắp hàng trăm tỉ của dân, ra tòa thì khóc lóc van xin, có khi còn đưa cả bố mẹ và con cái ra để mua lòng thương hại; rồi khi mãn hạn tù, vẫn vênh váo như thường.
Một xã hội mà từ dân đến quan đã không còn trọng liêm sỉ nữa, không còn biết đến tự trọng nữa, xã hội ấy không biện pháp trừng phạt nào cứu vãn được.
Chỉ khi sự thật được tôn vinh, công bằng được bảo đảm, nhân phẩm được đề cao, khi ấy lòng trung thực, sự tử tế, và tự trọng mới được xây dựng lại trong mỗi cá nhân và cả cộng đồng. Còn dối trá, còn bất công, còn sỉ nhục, thì văn hóa và đạo đức sẽ còn sa đọa, không cách gì vực dậy nổi…
Thái Hạo

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

3028 - Phản ứng của các chuyên gia: Israel vừa tấn công các cơ sở hạt nhân và quân sự của Iran. Tiếp theo là gì?

2236 - Kẹt xe ở Việt Nam từ một nghị định gây phẫn nộ

3155 - Hãy cẩn thận với Châu Âu mà bạn mong muốn